Virus máy tính nghi nhắm vào chính phủ các nước
Theo bản báo cáo chi tiết của Kaspersky, Mask là “một trong những đoạn mã độc có công nghệ tiên tiến nhất”. Kaspersky còn cho biết, trong suốt bảy năm qua, Mask đã phát tán thành công ở 31 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm cho hệ thống máy tính của hơn 380 tổ chức, doanh nghiệp.
Đứng đầu danh sách bị virus tấn công là các tổ chức tại Ma-rốc, các công ty ở Brazil, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác. Bên cạnh đó, nhiều đại sứ quán, các nhóm hoạt động xã hội và những phòng thí nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng là nạn nhân của Mask.
Khi đã lây nhiễm thành công, Mask sẽ tiến hành đánh cắp các tài liệu, mã số bảo mật, thông tin cá nhân và nguy hiểm hơn là quyền truy cập từ xa vào hệ thống máy tính. Đáng chú ý, Mask có rất nhiều phiên bản, tương thích với nhiều hệ điều hành máy tính trên thế giới như Windows, Apple iOS, Linux, thậm chí là các loại điện thoại thông minh sử dụng Android.
Qua quá trình nghiên cứu, Kaspersky chỉ ra rằng, trong những đoạn mã chính của Mask, từ “Careto”, cũng có nghĩa là “mặt nạ” trong tiếng Tây Ban Nha, đã xuất hiện rất nhiều lần. Với những công nghệ tiên tiến xuất hiện trong Mask, hãng bảo mật Kaspersky nghi ngờ nó đã được tạo ra bởi một quốc gia với mục đích do thám.
Trả lời Reuters về nhận định trên, ông Liam O’Murchu, chuyên gia nghiên cứu của Symantec, một công ty bảo mật chuyên nghiệp nổi tiếng khác trên thế giới, cho rằng “chưa thể kết luận ngay tác giả và mục đích của Mask”.
“Mặc dù được tạo ra bằng những đoạn mã độc chuyên nghiệp, nhưng các mục tiêu của Mask lại không tập trung rõ ràng, nên rất khó có thể ai là người tạo ra nó”, ông Liam nhận xét.
Ngay khi Kaspersky công bố sự tồn tại, Mask đã ngừng mọi hoạt động, đồng thời khiến 90 hệ thống máy tính đã bị lây nhiễm trên thế giới tê liệt.